Từ đường

Từ đường


Nhà thờ họ Nguyễn Quang:

Nhà thờ xây dựng năm Gia Long thứ 12, năm 1813, trùng tu vào các năm 1876, 1927, và năm 2000. Nhà quay hướng nam, cổng vào hướng tây. Toàn bộ kết cấu trong nhà bằng gỗ lim, trạm trổ hoa văn trên các xà ngang, câu đầu, tàu bẩy theo kiểu kiến trúc hoa văn thời nhà Nguyễn. Nhà được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, hai mái dốc, lợp ngói mũi, tường gạch xây, thu hồi (bít đốc), bờ nóc, bờ chảy xây gạch, hai bên trước nhà có trụ biểu, đây chính là biểu tượng của công trình tâm linh.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, và hủy hoại của thiên nhiên, đặc biệt trong thời kỳ cải cách ruộng đất, dòng họ chao đảo, nhà thời cũng chao đảo theo, nhiều lúc tưởng chừng nhà thờ sẽ không tồn tại mà bay mất như Đền Hậu. Nhưng nhờ có tinh thần và ý thức quyết tâm gìn giữ bảo vệ những thành quả mà Tổ Tiên đã ban tặng, coi đây là kỷ vật vô giá, là lời truyền dạy về đạo lý uống nước nhớ nguồn, là biểu tượng tinh thần của dòng họ, vì thế nhà thờ vẫn đứng vững nguyên vẹn như ngày này. Những người có công lớn trong việc bảo vệ gìn giữ như cụ Nguyễn Quang Trường (Cụ Tư Tràng), cụ Nguyễn Quang Cẩm, trưởng tộc Nguyễn Quang Xiển, và một số thành viên khác trong họ. Đây là những tấm gương tiêu biểu cần phải được vinh danh để cho các thế hệ hậu duệ noi theo.

Nhà thờ họ là nơi tôn nghiêm, nơi dâng hương thờ phụ Tiên Tổ để tưởng nhớ tới công đức cao dày của các bậc tiền nhân đã sinh thành tạo dựng, là nơi bày tỏ tình cảm, cảm xúc thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt nam nói chung, của họ Nguyễn Quang nói riêng.

Nhà thờ họ là biểu tượng của dòng họ, là nơi lưu giữ Tộc phả, và các văn bản ghi lại các hàng lối, bề bậc trong dòng họ. Đó cũng chính là sự ghi nhận tính di truyền, huyết thống của từng con người. Người xưa đã dạy “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” vì thế nhà thời còn là con tim truyền dòng máu nóng đến từng thanh viên trong dòng tộc.

Nhà thờ là nơi lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của dòng họ và là trường học truyền bá tư tưởng dòng giống tới các thành viên, truyền dạy cho con cháu điều hay lẽ phải, các lề thói, tập tục riêng của dòng họ và bản quán.

Nhà thờ cũng là nơi quy tụ các thành viên trong họ, tạo tình cảm gắn kết yêu thương đùm bọc, chia sẻ tình cảm, liên kết động viên giúp đỡ nhau trong khó khăn hoạn nạn.
Chính vì thế việc gìn giữ, bảo tồn và vinh danh là nghĩa vụ, là quyền lợi, còn là niềm tự hào của mỗi thành viên trong dòng tộc.

 

Nhà thờ Ngành 2:

Theo phong tục và truyền thống của Việt Nam và cả châu Á thì việc thừa kế tài sản và thờ cúng Tổ tiên được truyền giao cho con trai trưởng, người nối dõi tông đường thờ cúng, chỉ khi người con trai trưởng không sinh được con trai thì việc thờ cúng Tổ tiên được giao cho người con trai kế tiếp.

Năm 1965, ông Nguyễn Quang Ngôn (10.1) cháu cụ Nguyễn Quang Ngữ (9.1) là Chắt cụ Nguyễn Quang Thuyết (8.1) và là chút cụ Nguyễn Quang Hiến (7.1) cụ Nguyễn Quang Thứ (6.1) , ông là người cháu đích tôn của ngành 2 qua đời. Khi ông mất đi thì con ông cháu Nguyễn Quang Bách (11.1) còn rất nhỏ không đảm nhiệm được công việc thờ cúng Tổ Tiên. Hơn nữa do gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà cửa lụp sụp, nơi thờ tự không được khang trang sạch sẽ, việc thờ cúng không được chăm lo chu đáo. Trước tình hình đó, các cụ trong thế hệ thứ 9 đã mở hội nghị bàn nhau quyết định chuyển Khám thờ và các bài vị thờ từ nhà cháu Nguyễn Quang Bách giao lại cho người con trai kế tiếp của ngành là ông Nguyễn Quang Bưởi (10.6) con trai cụ Nguyễn Quang Đăng chịu trách nhiệm thờ cúng Tổ Tiên ngành 2. Nhưng rồi cũng không được như ý vì ông Bưởi công tác trong Thanh Hóa, ông cư trú ở trong đó nên việc thờ cúng Tổ Tiên lại bị bê trễ không được thường xuyên chu đáo.

Đến năm 1975 các cụ trong thế hệ thứ 9 lại mở hội nghị bàn nhau quyết định chuyển Khám thờ và các bài vị thờ từ nhà ông Nguyễn Quang Bưởi về giao cho ông Nguyễn Quang Bộ (10.13) con trai cụ Nguyễn Quang Toản chịu trách nhiệm thờ cúng Tổ Tiên. Kể từ đó công việc thờ cúng, việc hương khói, hiếu sự được ông Nguyễn Quang Bộ làm rất tốt, rất chu đáo, luôn hết tâm vì công việc của ngành, mọi người tin tưởng, ông Bộ đã làm yên lòng cho cả người đi xa lẫn ở nhà.

Vào những năm cuối thế kỷ 20, khi đó miền bắc vừa trải qua cuộc cải cách ruộng đất, một số gia đình phải bỏ quê di tản vào nam, một số gia đình quy là thành phần địa chủ bị chính quyền giam cầm tịch thu hết ruộng đất tài sản, cuộc sống tinh thần bị suy sụp, kinh tế vô cùng khó khăn. Tiếp đến là thời kỳ nam bắc chia cắt, rồi đến giặc Mỹ leo thang đánh phá ném bom miền bắc, cuộc sống người dân miền bắc lúc đó vô cùng cực khổ, đại đa số người dân ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nhà nhà tranh vách đất gió lùa tứ phía, chiếu chăn không có nhiều người phải nằm ổ rơm để chống lại mùa đông lạnh giá. Nhưng dưới sự lãnh đạo của cụ Nguyễn Quang Trì (9.53) bà con trong ngành đã đoàn kết, yêu thương đùm bọc, động viên lẫn nhau vượt qua khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất. Ngành đã có những lề lối phép tắc rõ ràng, cụ thể: mỗi khi một gia đình có người đau ốm mọi người đều đến thăm nom chăm sóc giúp đỡ như ruột thịt nhà mình, khi một gia đình có đám thì cả ngành họp lại bàn phương án giúp đỡ, phân công nhau cùng chung tay làm việc, mọi người đều có ý thức tự giác làm việc như công việc của nhà mình. Bà con trong ngành đã tạo thành nếp, mọi người tự giác mang bàn ghế, bát đĩa, nồi niêu xoong chảo nhà mình đến góp làm cỗ rồi lại tự giác mang về, gia chủ không phải lo đến những công việc đó. Vào thời kỳ  kinh tế khó khăn vật chất thiếu thốn, mọi thứ đều phân phối thì việc đùm bọc giúp đỡ nhau trong ngành là nét đẹp vô cùng quý giá, ngành 2 đã tạo ra nét văn hóa đẹp, đặc sắc riêng mà các ngành khác trong họ và các họ khác không có được.

Năm 1991 cụ Nguyễn Quang Trì tạ thế mọi việc lãnh đạo ngành được giao lại cho vợ chồng ông Nguyễn Quang Bộ, ông Bộ và các ông trong hệ 10 đã kế thừa truyền thống tốt đẹp mà thế hệ trước để lại, đoàn kết làm tốt các công việc thờ cúng Tổ Tiên và các hoạt động của ngành.

Đến Năm 2008 ông Nguyễn Quang Thắng (10.18) là con cụ Nguyễn Quang Thát làm vụ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư ở Hà Nội, đã công đức xây dựng ngôi nhà thờ cụ Nguyễn Quang Hiến ngay trên mảnh đất phía sau nhà ông Nguyễn Quang Bộ và Khám Thờ Tổ ngành cũng được chuyển đến thờ tại ngôi nhà thờ mới xây dựng này.

Tin tức & sự kiện